Rừng tự nhiên chịu sức ép từ nhu cầu sử dụng gỗ
Việc trở thành một trong những cường quốc về chế biến, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ vừa là một tín hiệu đáng mừng nhưng cũng là một thách thức không nhỏ đối với sự phát triển bền vững của ngành gỗ Việt Nam, bởi ngành này hiện vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu được nhập từ bên ngoài.
Điều đáng nói là trong khi lượng gỗ cung ứng trong nước có hạn, đặc biệt là lượng gỗ có chứng chỉ được khai thác từ khu vực rừng được quản lý bền vững thì nguồn gỗ chứng chỉ nhập khẩu lại có giá khá cao. Vì vậy, để giảm giá thành và tiết kiệm chi phí sản xuất, một số doanh nghiệp vẫn lựa chọn phương án sử dụng gỗ không có chứng chỉ, bao gồm cả gỗ được khai thác từ rừng tự nhiên trong nước. Điều này vô hình chung tạo thêm sức ép lên tài nguyên rừng tự nhiên vốn đang bị suy giảm về chất lượng.
Cầu lấn cung
Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam đạt 3,955 tỉ USD, tăng hơn 15% so với năm 2010. Để đạt kim ngạch này, Việt Nam phải tiêu thụ một lượng nguyên liệu gỗ đầu vào lên tới 5-6 triệu m3/năm.
Năm 2011 cũng là năm Việt Nam trở thành nước xuất khẩu dăm lớn nhất trên thế giới với 5,4 triệu tấn dăm xuất khẩu, tương đương khoảng 11 triệu m3 gỗ nguyên liệu. Bên cạnh đó, với 87 triệu dân và thói quen sử dụng các sản phẩm đồ gỗ, kim ngạch trên thị trường gỗ và sản phẩm gỗ tiêu thụ nội địa mỗi năm ước tính cũng đạt khoảng 1 tỉ USD với lượng nguyên liệu đầu vào lên tới hàng triệu m3 gỗ.
Theo dự báo Bộ NN&PTNT, nhu cầu tiêu dùng gỗ xẻ của Việt Nam vào năm 2020 sẽ tăng lên con số 7 triệu m3, tương đương 15 triệu m3 gỗ tròn; nhu cầu tiêu thụ ván sợi vào khoảng 1,5 triệu m3, ván ghép thanh khoảng 1 triệu m3 vào năm 2015.
Với tổng nhu cầu nguyên liệu gỗ hàng năm (giai đoạn 2010 – 2015) khoảng 15 triệu m3, bên cạnh sự đóng góp của nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng và rừng tự nhiên trong nước, trước mắt Việt Nam vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu gỗ với khối lượng giảm dần đến năm 2020.
Các loại gỗ mà Việt Nam nhập khẩu chủ yếu hiện nay bao gồm gỗ tròn, gỗ xẻ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên và rừng trồng, gỗ ván ép, giấy và bột giấy. Trong đó, gỗ nhập khẩu có nguồn gốc từ rừng tự nhiên được nhập khẩu chủ yếu từ các nước lân cận. Tuy nhiên, theo đánh giá của một số tổ chức môi trường, tính pháp lý của gỗ nhập từ nguồn này thường không rõ ràng, và điều này gây ra những ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh của ngành chế biến gỗ Việt Nam.
Tác động của ngành chế biến gỗ tới công tác bảo vệ rừng
Các thông số về sản xuất và thương mại gỗ của Việt Nam cho thấy, việc sử dụng nguyên liệu đầu vào của ngành chế biến gỗ có tác động không nhỏ đến công tác bảo vệ tài nguyên rừng.
Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến gỗ vẫn tiếp tục phát triển trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu, điều này lý giải phần nào việc khai thác gỗ lậu đến nay vẫn tồn tại mặc dù Chính phủ đã có những biện pháp nhằm ngăn chặn.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp chế biến gỗ vẫn sử dụng nhiều gỗ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên, gỗ chưa đạt chứng chỉ rừng, do vậy việc tiếp cận với các thị trường xuất khẩu yêu cầu gỗ có nguồn gốc hợp pháp và gỗ đạt chứng chỉ sẽ ngày càng khó khăn và bị thu hẹp.
Đảm bảo nguồn cung nguyên liệu gỗ từ mô hình liên kết 3 bên
13,5 triệu ha rừng trong cả nước hiện nay được giao cho 7 nhóm chủ rừng, trong đó nhóm chủ rừng là hộ gia đình được giao quản lý khoảng 3,5 triệu ha nhằm phát triển rừng trồng.
Mặc dù có tiềm năng lớn về đất đai, song nhóm chủ rừng là hộ gia đình lại không có vốn đầu tư trồng rừng. Trong khi đó, các doanh nghiệp không có đất nhưng lại có vốn đầu tư.
Nhằm tạo giá trị gia tăng và tránh tình trạng gây sức ép lên tài nguyên rừng tự nhiên, thiết nghĩ cần có sự kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp và hộ gia đình. Mô hình liên kết 3 nhà gồm chính quyền – doanh nghiệp – hộ trồng rừng vì thế cần được khuyến khích phát triển. Trong liên kết này, hộ có thể góp vốn bằng đất và lao động để tạo rừng trồng, doanh nghiệp đầu tư vốn và hướng dẫn kỹ thuật, đảm bảo bao tiêu đầu ra sản phẩm, còn chính quyền địa phương đóng vai trò kết nối giữa hộ và doanh nghiệp, tạo lòng tin giữa 2 bên.
Liên kết ba bên hiệu quả sẽ tạo cơ hội cho việc phát triển nguồn nguyên liệu bền vững cho ngành công nghiệp chế biến, giảm được sức ép lên rừng tự nhiên không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn ở các nước lân cận nhập gỗ từ rừng tự nhiên vào Việt Nam.
Theo Quyết định số 2089 của Bộ NN và PTNT ngày 30 tháng 8 năm 2012, tính đến hết năm 2011, Việt nam có khoảng 13,5 triệu ha rừng, được chia làm 3 loại: rừng đặc dụng (khoảng 2 triệu ha); rừng phòng hộ (4,6 triệu ha); rừng sản xuất (6,7 triệu ha). Trong tổng số 13,5 triệu ha đó, rừng tự nhiên chiếm khoảng 10,3 triệu ha (77%); phần còn lại 2,9 triệu ha (23%) là rừng trồng.
Diện tích rừng Việt Nam được giao cho các 7 nhóm chủ rừng khác nhau, trong đó ban quản lý là nhóm chủ rừng lớn nhất (4,5 triệu ha), tiếp đến là hộ gia đình (3,5 triệu ha), doanh nghiệp nhà nước (2 triệu ha) và các nhóm khác. Cho đến nay vẫn còn khoảng 2 triệu ha rừng chưa được giao, và đang được UBND xã trực tiếp quản lý.
Nguồn Chiến lược Phát triển ngành Lâm nghiệp Việt Nam đến năm 2020, Bộ NN&PTNT
Nguồn Chiến lược Phát triển ngành Lâm nghiệp Việt Nam đến năm 2020, Bộ NN&PTNT